Bình Tây Đại Nguyên Soái là ai?

Giới thiệu về Bình Tây đại nguyên soái

Trương Định (1820-1864) là người được nhân dân tôn làm bình tây đại nguyên soái. Ông là vị thủ lĩnh vĩ đại thời kỳ đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta những năm 1860. Trương Định còn có tên là Trương Công Định hay Trương Trường Định, sinh năm 1820 ở phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Ông sống ở quê hương Quảng Ngãi cho đến năm 24 tuổi mới theo cha là Trương Cầm- người giữ chức Chưởng lý Thủy sư vào Gia Định (thời vua Thiệu Trị).

Bình Tây Đại Nguyên Soái - Trương Định
Bình Tây Đại Nguyên Soái – Trương Định

Trương Định mất ngày 19/8/1864, Huỳnh Công Tấn phản bội dẫn đường cho quân Pháp bất ngờ bao vây đánh úp. Bản doanh Đám lá tối trời [b] thất thủ, Trương Định bị trọng thương (gãy xương sống)

Bình Tây nghĩa là gì? Ý nghĩa của “Bình Tây Đại Nguyên Soái”. Bình Tây  có nghĩa là dẹp lũ phương Tây. Đại Nguyên Soái là người cầm đầu quân đội nào đó. Bình Tây Đại Nguyên Soái có nghĩa là người cầm đầu quân đội đi dẹp lũ phương Tây (chỉ giặc Pháp), đây là tước hiệu Bình Tây Đại Nguyên Soái là do nhân dân phong cho Trương Định.

Sự kiện lịch sử của Trương Định

Theo Nguyễn Thông trong Lãnh binh Trương Định truyện, ông có “trang mạo khôi ngô, thông hiểu binh thư và bắn giỏi”. Sách Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “(TrươngĐịnh am hiểu võ nghệ, dũng cảm, mưu lược”. Paulin François Alexandre Vial, nguyên Trưởng đồn kiêm Giám đốc bản xứ sự vụ Gò Công, Giám đốc Nội vụ Nam kỳ, trong quyển Những năm đầu tiên ở Nam kỳ cho biết, ông cao lớn, nước da trắng, dáng người thanh tú.

Năm 1844, cha của ông là Trương Cầm vào tỉnh Gia Định nhận chức Lãnh binh. Ông được đi theo; sau đó, kết hôn với Lê Thị Thưởng, vốn là con gái của một hào phú ở Tân Hòa (Gò Công). Năm 1854, nhờ sự trợ giúp của gia đình bên vợ, ông xuất tiền của, mộ dân lập đồn điền Gia Thuận (nay là xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) để khai hoang vùng đất này. Vì thế, ông được triều đình phong chức Phó quản cơ.

Năm 1850, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của tướng Nguyễn Tri Phương, Trương Định xuất tiền ra chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền ở Gia Thuận (Gò Công), vì thế, ông được nhà Nguyễn bổ làm Quản cơ, hàm chánh lục phẩm.

Năm 1859, quân Pháp hạ thành Gia Định. Với lòng yêu nước nồng nàn, ông đã chỉ huy dân quân đồn điền Gia Thuận phối hợp với quân triều đình tiến đánh quân địch ở vùng Thuận Kiều và lập được nhiều chiến công. Vì vậy, đến tháng 10-1860, ông và nghĩa sĩ, bao gồm 50 người, được vua Tự Đức “thưởng cho gia trật hoặc kỷ lục, ngân tiền”. Chiến công nổi bật đầu tiên của Trương Định và nghĩa quân là trận phục kích tiêu diệt tên đại úy thủy quân lục chiến Barbé tại chùa Khải Tường (vị trí chùa nay là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, số 28, đường Võ Văn Tần, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) ngày 07-12-1860. 

Tháng 4-1861, quân Pháp lần lượt đánh chiếm Mỹ Tho và Gò Công. Với quyết tâm chống quân xâm lược, Trương Định đã chiêu mộ 6.000 nghĩa sĩ dựng cờ khởi nghĩa. Vì thế, ông được triều đình phong chức Quản Cơ rồi thăng lên Phó Lãnh binh tỉnh Gia Định. Bên cạnh đó, ông còn ra sức xây dựng căn cứ kháng chiến Tân Hòa ở Gò Công. Ngoài ra, Trương Định còn cho xây dựng đồn trại ở Gia Thuận, vốn là đồn điền do ông lập ra năm 1854.

Cuộc khởi nghĩa do Trương Định lãnh đạo có sự liên kết chặt chẽ với nhiều cuộc khởi nghĩa khác, như khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực ở Tân An, Trần Xuân Hòa, Võ Duy Dương và Nguyễn Hữu Huân ở Ba Giồng,…

Ngày 22-6-1861, nghĩa quân do Đỗ Trình Thoại chỉ huy tấn công quân Pháp ở đồn Gò Công. Cuộc tập kích này đã làm tên lính thủy Bodiez phải tử trận, tên trung úy Vial bị đâm trọng thương. Thế nhưng, thủ lãnh Đỗ Trình Thoại đã anh dũng đền nợ nước. Qua ngày hôm sau, để trả thù cho Đỗ Trình Thoại, Trương Định chỉ huy nghĩa quân đánh vào đồn Gò Công, gây cho địch nhiều thiệt hại. Trong tháng  9-1861, ông chỉ huy nghĩa quân tiến hành trừng trị những tên tay sai chỉ điểm cho giặc, tiêu biểu là vụ bắt bá hộ Huy ở Đồng Sơn (nay thuộc huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) phải đền tội phản quốc. Sau đó, hoạt động quân sự của nghĩa quân Trương Định đã diễn ra liên tục. Ngày 30-12-1861, tấn công đồn Kỳ Hôn (nay thuộc TP Mỹ Tho, TG). Ngày 10-01-1862, tấn công đồn Gia Thạnh (nay thuộc huyện Chợ Gạo, TG); ngày hôm sau, với 10 chiến thuyền, nghĩa quân lại đánh đồn Rạch Gầm (nay thuộc huyện Châu Thành, TG). Từ ngày 22-01-1862 đến ngày 28-02-1862, nghĩa quân Trương Định mở 3 cuộc tấn công vào đồn Kỳ Hôn, có lần giặc Pháp phải bỏ đồn tháo chạy, bị nghĩa quân truy kích ráo riết.

Do bị tấn công liên tục, đô đốc Bonard ra lệnh cho quân Pháp rút khỏi đồn Gò Công ngày 01-3-1862. Cũng trong khoảng thời gian này, ông nhận được vũ khí do triều đình cấp phát, gồm 20 khẩu thần công, 300 cân thuốc súng, 20 viên đạn thép, 80 trường thương. Trên cơ sở đó, đêm 06-4-1862, Trương Định chỉ huy nghĩa quân táo bạo đột kích Chợ Lớn (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh). Trận đánh này đã khiến nhân dân rất phấn khởi; còn quân giặc thì hoang mang cực độ.

Để thực thi hiệp ước ký với Pháp năm 1862, vua Tự Đức ra lệnh giải binh ở ba tỉnh miền đông Nam kỳ (Định Tường, Gia Định, Biên Hòa); trong đó có việc buộc Trương Định phải giải tán nghĩa quân và đi An Giang nhận chức Lãnh binh. Tuy nhiên, với tước vị Bình Tây đại nguyên soái, ông đã dũng cảm và sáng suốt ở lại Gò Công, lãnh đạo nhân dân tiếp tục cuộc kháng chiến. Tháng 11-1862, Trương Định cử các đội trinh sát đi hoạt động ở khắp nơi. Ngày 06-12-1862, nghĩa quân Trương Định tấn công một chiến thuyền của quân Pháp trên sông Vàm Cỏ ở gần Trảng Bàng (Tây Ninh). Ngày 17 và ngày 18-12-1862, Trương Định ra lệnh cho nghĩa quân đồng loạt mở cuộc tổng  công kích vào các vị trí chiếm đóng của quân Pháp ở ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hoám Định Tường và Gia Định). Trước tình hình đó, đầu năm 1863, quân Pháp tổ chức những cuộc hành quân càn quét vào căn cứ Tân Hòa (Gò Công) của nghĩa quân Trương Định. Ngày 16-02-1863, đô đốc Bonard, tổng chỉ huy quân Pháp ở Nam kỳ, đến Gò Công, trực tiếp chỉ huy cuộc tấn công. Do thế giặc quá mạnh nên Trương Định vừa cho nghĩa quân mật phục đánh địch liên tục, vừa ra lệnh cho đại bộ phận nghĩa quân rút đi nơi khác để bảo toàn lực lượng cho cuộc chiến đấu lâu dài.

Sau đó, Trương Định di chuyển về khu vực “Đám lá tối trời” ở Gia Thuận để gầy dựng lại lực lượng. Thực dân Pháp tung bọn mật thám, bọn phản bội chỉ điểm ráo riết theo dõi mọi hoạt động của nghĩa quân. Theo đó, Huỳnh Văn Tấn (Đội Tấn) được lệnh truy lùng nơi ở của Trương Định. Ngày 20-8-1864, Đội Tấn chỉ huy bọn thuộc hạ bất ngờ đột kích vào nơi trú ngụ của ông tại Kiểng Phước (nay thuộc huyện Gò Công Đông, TG). Trận chiến không cân sức đã diễn ra; và cuối cùng, Trương Định đã anh dũng hy sinh vì đại nghĩa cứu nước, cứu dân, hưởng dương 44 tuổi, để lại bao niềm tiếc thương trong lòng người dân Gò Công và Nam Bộ.

Lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu và ý chí quật khởi của Bình Tây đại nguyên soái Trương Định sống mãi với non sông gấm vóc Việt Nam.

  1. Trương Định sinh năm nào?

    Trương Định sinh năm 1820 và mất năm 1864 hưởng thọ 44 tuổi

  2. Trương Định sinh ra ở đâu?

    Trương Định sinh ra ở phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi)